Việt Nam trở thành thị trường chế biến thực phẩm hàng đầu thế giới

Ngày 8-8, gần 1.000 doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm Việt Nam đã tham gia giao thương kết nối tại Triển lãm Quốc tế Thực phẩm và Đồ uống, thiết bị công nghệ chế biến bao bì đóng gói thực phẩm và đồ uống Việt Nam” lần thứ 28 do Bộ Công thương tổ chức.

Phát biểu tại lễ khai mạc, bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công thương, cho biết Việt Nam đã có sự phát triển đáng ghi nhận trong lĩnh vực sản xuất lương thực, thực phẩm, đặc biệt trong chế biến thực phẩm. Từ một quốc gia nhập khẩu Việt Nam đã trở thành nhà sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm hàng đầu thế giới với hàng loạt mặt hàng nông sản dẫn đầu về xuất khẩu như gạo, cà phê, hồ tiêu, hạt điều, thủy sản…

Hiện Việt Nam là quốc gia có lượng sản phẩm nông nghiệp và nguồn nguyên liệu dồi dào, rất thuận lợi cho việc cung ứng đầu vào cho hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm. Về khía cạnh thị trường, với quy mô dân số gần 100 triệu người, cơ cấu dân số trẻ, gia tăng tầng lớp trung lưu và thu nhập cao, Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường tiêu thụ thực phẩm và đồ uống tiềm năng nhất khu vực. Theo đánh giá, mức tiêu thụ hàng năm của ngành thực phẩm và đồ uống Việt Nam luôn chiếm khoảng 15% GDP và có xu hướng tăng trong thời gian tới.

Trong nhiều năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng lương thực, thực phẩm ghi nhận được đã có mặt trên 180 thị trường. Riêng tháng 7 năm 2024, toàn ngành đã chứng kiến sự tăng trưởng xuất khẩu vượt bậc của nhiều nhóm ngành lương thực, thực phẩm, đặc biệt một số nhóm hàng đã có tổng kim ngạch xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm vượt 2 tỷ USD như thủy sản, rau quả, điều, cà phê, gạo…

Không dừng lại đó, doanh thu thị trường ngành thực phẩm đồ uống Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng, dự kiến đạt hơn 720.000 tỷ đồng vào năm 2024, tăng 10,92% so với 2023. Sau khi hồi phục và tăng trưởng mạnh mẽ, ngành thực phẩm đồ uống sẽ tiếp tục phát triển với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm giai đoạn 2024 – 2029 đạt 10,26% và dự kiến sẽ đạt giá trị khoảng 1,5 tỷ USD vào năm 2029

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, thị trường bao bì nhựa Việt Nam giai đoạn 2023 – 2028 dự kiến sẽ có mức tăng trưởng hàng năm trung bình đạt 8,44%, bao bì giấy là 9,73%. Đồng thời, bao bì cho ngành thực phẩm, đồ uống tiếp tục chiếm thị phần đáng kể.

Cũng theo bà Phan Thị Thắng, với xu hướng người tiêu dùng đề cao các sản phẩm có tính xanh bền vững, các doanh nghiệp Việt Nam cũng liên tục chuyển mình theo hướng bền vững trên toàn bộ chuỗi giá trị sản xuất. Các xu hướng phát triển bền vững trong ngành cũng liên tục được cập nhật và phát triển, bao gồm các khía cạnh về an toàn thực phẩm, đảm bảo tính xanh bền vững trong việc sử dụng các nguồn nguyên liệu hữu cơ, tái sử dụng, tái chế chất thải hoặc sản phẩm dư thừa từ quá trình sản xuất cho đến những biện pháp hạn chế sử dụng nhựa và giảm bao bì nói chung. Đây rõ ràng là thách thức nhưng cũng nên nhìn nhận như cơ hội cho các nhà sản xuất, xuất khẩu thực phẩm đồ uống của Việt Nam để thay đổi và phát triển. Vấn đề còn lại là các doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội để kết nối, tiếp cận khoa học công nghệ tiên tiến từ các đối tác nước ngoài, từ đó thu hút đầu tư, thúc đẩy xuất khẩu trong lĩnh vực sản xuất, chế biến thực phẩm và đồ uống đầy tiềm năng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *